Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, là
tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước cùng dân số gần 3,2 triệu người. Nằm
trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam
theo Quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò. Nghệ An có 01 thành phố, 03 thị xã và 17 huyện.
Trong đó, Thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của
tỉnh và của cả khu vực Bắc Trung bộ. Ý thức được lợi thế đó, những năm qua Nghệ
An không ngừng đổi thay toàn diện và từng bước khẳng định vị thế “trái tim” của
vùng Bắc Trung bộ.
Trong năm 2019, hàng loạt các hoạt động xúc
tiến đầu tư liên tiếp diễn ra một cách sôi nổi và trở nên “nóng” hơn bao giờ
hết, điển hình là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo lớn của tỉnh như: Hội
nghị Gặp mặt các nhà đầu tư xuân Kỷ Hợi 2019 với sự tham gia của gần 700 đại
biểu, tại Hội nghị đã trao 31 Quyết định Chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy
chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức đầu
tư dự kiến là 29.977 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 02 dự án/285 tỷ đồng đã đi vào
hoạt động; 02 dự án/83 tỷ đồng đang triển khai thi công; 05 dự án/2.531 tỷ đồng
đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy và
đồng chí Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận đầu tư và bản ghi
nhớ cho các nhà đầu tư
Tiếp sau sự kiện lớn về thu hút đầu tư đầu năm
là Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ 2019” và Hội nghị “Gặp gỡ
Nghệ An – Nhật Bản: Hợp tác phát triển” nhằm tạo sự quan tâm cao của các đối
tác Nhật Bản đối với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ
An. Nhiều hoạt động trao đổi, kết nối đầu tư giữa các Doanh nghiệp của hai bên
được tiến hành ngay bên lề Hội nghị. Bên cạnh đó, vào trung tuần tháng 9/2019
Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Xúc
tiến Thương mại & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội nghị
xúc tiến đầu tư vào Nghệ An tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị đã trao
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số
vốn 3.759 tỷ đồng và hàng loạt các sự kiện đáng chú ý khác trong hoạt động xúc
tiến đầu tư. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư này, lãnh đạo tỉnh đã kịp
thời nắm bắt được xu hướng, lĩnh vực mong muốn đầu tư của các đối tác để điều
chỉnh, bổ sung, ban hành các chính sách, điều kiện đầu tư phù hợp với tình hình
thực tế.
Lãnh đạo tỉnh
Nghệ An trao tặng kỷ niệm chương cho các nhà đầu tư
Tính đến ngày 10/11/2019, trên địa bàn tỉnh đã
cấp mới (Chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy CNĐKĐT) cho 89 dự án với tổng số vốn
đầu tư đăng ký là 10.134,43 tỷ đồng). So sánh với số liệu cùng kỳ năm 2018, số
lượng dự án thu hút đầu tư 11 tháng đầu năm 2019 giảm, tuy nhiên tổng vốn đầu
tư đăng ký tăng 1,15 lần. Về cơ cấu đầu tư, so với năm 2018, tỷ trọng vốn đầu
tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng, nông nghiệp
giảm. Về địa bàn đầu tư, các dự án chủ yếu tập trung ngoài KKT và cá KCN với
67/89 dự án (chiếm 75,28%), tổng mức đầu tư đăng ký 3.311,48 tỷ đổng, các dự án
chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Thu ngân sách 10 tháng ước thực hiện 12.668,5 tỷ
đồng.
Mặc dù hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2019 đã
có nhiều kết quả nổi bật nhưng hiệu quả thu hút đầu tư được cho rằng chưa tương
xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc giải quyết khó
khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm chưa thực sự hiệu quả, thời gian giải
quyết, gỡ rối cho doanh nghiệp còn kéo dài gây thiệt hại về kinh tế cho doanh
nghiệp. Ngoài ra, việc kết nối thị trường, hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng các
hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số dự án lớn triển
khai chậm do vướng mắc về thủ tục ở các Bộ, ngành Trung ương như dự án quần thể
nghỉ dưỡng du lịch, dự án đầu tư thăm dò, khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây
dựng thông thường tại huyện Tân Kỳ của tập đoàn FLC, dự án KCN Hoàng Mai, dự án
Xi măng Sông Lam 2,… Số lượng dự án đầu tư vào KKT, KCN còn thấp (24,72%). Các
dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công
nghệ cao và các dự án hạ tầng công nghiệp – đô thị, giáo dục đào tạo, y tế chưa
nhiều.
Các chuyên gia hàng đầu chung nhận định, các
địa phương trong khu vực có lợi thế tương đồng, cạnh tranh mạnh mẽ trong thu
hút đầu tư. Trong khi đó, Nghệ An chưa có những lợi thế đủ mạnh để thu hút được
những dự án lớn, trọng điểm làm động lực phát triển và lan tỏa thu hút đầu tư. Bên
cạnh đó, các văn bản pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế… còn thiếu
đồng bộ, thiếu tính khả thi và chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Một số dự án được
cấp phép triển khai chậm do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, thay đổi chiến
lược đầu tư, làm mất cơ hội của các nhà đầu tư tiềm năng và ảnh hưởng đến việc
xúc tiến đầu tư các dự án mới.
Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, thời gian gần
đây tỉnh Nghệ An đã chú trọng đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực và uy
tín để đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng để bứt
phá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững trong
thời gian tới; ưu tiên thu hút các dự án sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa có
tính cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt chú trọng
các ngành nghề công nghệ mới như: Công nghiệp ITC, kỹ thuật số, kỹ thuật nano,
công nghiệp sinh học, vật liệu mới…Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới,
đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả
cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Các hình thức đầu tư được Nghệ An lựa chọn và
nhà đầu tư đề xuất như BT, BOT, PPP... đang tạo ra sự phong phú về nguồn lực
được huy động, đồng thời bước đầu giảm gánh nặng về đầu tư ngân sách. Thực tế
cho thấy, nhiều dự án quy mô, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động
rất hiệu quả, đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như giải quyết đáng kể nhu cầu việc
làm tại địa phương. Đi đầu trong phong trào này cần kể đến Tập đoàn TH (được
cấp chứng nhận đầu tư 10 dự án với tổng mức đăng ký 12.068 tỷ đồng), Tập đoàn
Vissai (đã đầu tư 12.166 tỷ đồng) hay Tập đoàn Hoa Sen với 2 dự án, tổng mức
đầu tư trên 8.000 tỷ…
Hiểu rõ tầm quan trọng của quá trình xúc tiến
đầu tư mang lại, nhưng như thế không có nghĩa Nghệ An chấp nhận đánh đổi bằng
mọi giá. Bất kỳ dự án nào, dù quy mô ra sao đều được đánh giá chi tiết, kỹ
lưỡng về tính hiệu quả cũng như mức độ rủi ro, ảnh hưởng có thể xảy đến. Quá
trình thực hiện nếu nhận thấy có vấn đề thì việc điều chỉnh hoặc thậm chí đưa
ra khỏi danh sách hoàn toàn có thể được áp dụng.
Với mục tiêu cụ thể là trong năm 2020 phấn đấu
thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An được khoảng 100-120 dự án với số vốn đăng ký
từ 15.000 – 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn
FDI khoảng 3000 – 5000 tỷ đồng . Tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 – 12.000
lao động. Tỉnh Nghệ An ưu tiên định hướng đối tác là các Tập đoàn công nghệ
đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn
Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu. Bên cạnh đó, đồng hành và hợp tác có hiệu quả với tập
đoàn kinh doanh Khu công nghiệp gồm: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt trong tổ chức và triển khai các hoạt động xúc tiến
đầu tư trong và ngoài nước.
Bằng nỗ lực quyết tâm trong hành động, tránh
tình trạng “trên thảm dưới đinh”, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, sau 5
năm nỗ lực không ngừng nhằm hướng đến một môi trường đầu tư trong sạch và bình
đẳng, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Lúc này cơ cấu nguồn
vốn đang có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vào công nghiệp, xây dựng
và thương mại - dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công
nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch nhằm tạo động lực căn
bản cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các
mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng,
nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
Hương Giang
|